Ô nhiễm không khí, 'sát nhân' thầm lặng trong thành phố

Mười năm lái taxi ở Hà Nội, Nguyễn Gia Thắng chưa từng nghĩ có ngày mình suýt chết ở tuổi 37, chỉ sau vài cơn ho.

Giữa tháng 11, Thắng tỉnh dậy trong khoa cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai, sau chín ngày hôn mê. Chị Nhung - vợ anh đứng bên giường, nước mắt quệt ngang, ước mình đã đưa chồng đi khám từ bốn năm trước.
Đó là mùa hè 2016, khi những cơn ho đầu tiên lác đác làm phiền Thắng. Năm ấy, Thắng vừa vay tiền mua ôtô làm riêng sau 6 năm làm tài xế hãng. 8h sáng mỗi ngày, anh đánh xe vào nội thành và trở về lúc 2h sáng hôm sau. Nỗi lo cơm áo át đi cơn đau trong lồng ngực.
Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 100 ca khám chữa bệnh mỗi ngày. Ảnh: Gia Chính
Hai năm nay, những vốc thuốc Tây "chữa ho" tự mua trở nên vô dụng, Thắng tìm đến trạm y tế xã. Một mũi tiêm giãn phế quản và bình thở khí dung giúp anh khỏe khoắn được 4 ngày.
Cho đến rạng sáng một ngày mưa đầu tháng 11, Thắng đang ngủ thì choàng tỉnh vì cảm giác như bị bóp cổ, nghẹt cứng họng. Nhung chỉ kịp lờ mờ nghe tiếng chồng thều thào "anh chết mất", rồi cuống cuồng đưa Thắng đi trạm xá. Nhưng Thắng đã ngã lăn khỏi xe máy, bất tỉnh trước khi đến nơi.
Thắng được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, phải phẫu thuật mở khí quản và thông khí nhân tạo. "Nguy cơ tử vong là 100% nếu không kịp cấp cứu", bác sĩ trực tiếp phụ trách nói. Nguyễn Gia Thắng bị hen từ năm 7 tuổi. Mỗi ca làm việc của anh kéo dài từ 12 đến 15 tiếng. Khi không chở khách, anh thường hạ kính xe, tắt điều hòa để tiết kiệm xăng. Phân nửa thời gian đi làm, anh hít thở trực tiếp không khí ngoài đường.
Ở một phòng bệnh khác, ông Nguyễn Mạnh Kỳ, 64 tuổi, Đông Anh, Hà Nội, nhập viện sau Thắng 3 tuần trong tình trạng nghẹt thở, cơ thể co rút, móng tay, móng chân và môi xanh tái. Ông được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Như nhiều gia đình ở làng nghề mộc truyền thống Vân Hà, ông Kỳ làm chủ một xưởng sản xuất, chế biến gỗ.
Gần bốn mươi năm hít bụi gỗ, mạt cưa và thuốc sơn, hôm nay nằm thở bằng khí dung, ông Kỳ mới hiểu không phải cứ "đeo khẩu trang" là tránh được ô nhiễm không khí. Bà Oanh, vợ ông Kỳ, đợi chồng bình phục hẳn cũng làm thủ tục phẫu thuật bóc ổ cặn màng phổi.
Từ những cơn ho đầu tiên của Thắng, năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê Hà Nội có gần 300 ngày ô nhiễm không khí mỗi năm và hơn 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến ô nhiễm không khí. Niên giám thống kê của Bộ Y tế năm đó kết luận, 10 bệnh mắc và 10 bệnh chết nhiều nhất tại các cơ sở y tế là nhóm bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tim mạch.
Theo WHO, thế giới có 7 triệu người chết mỗi năm vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Đồ họa: Tiến Thành.
Đến 2019, hàng loạt kỷ lục ô nhiễm không khí được ghi nhận. Ngày 7/11, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội công bố chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 200 - mức ô nhiễm xấu, duy trì 4 ngày liên tiếp. Ngày 12/11, AQI trên 300 - mức nguy hại. Thành phố khuyến cáo người dân tránh thể dục ngoài trời buổi sáng, đóng cửa sổ và hạn chế ra đường.
Nhiều trường học nội thành Hà Nội phải dừng mọi hoạt động ngoài trời do ô nhiễm không khí kéo dài. Học sinh tập thể dục và vui chơi giữa giờ trong phòng kín, mở điều hòa từ 7h sáng.
Đây không phải thực tế mới, khi từ năm 2018, Chỉ số hiệu suất môi trường (EPI) của Ngân hàng Thế giới xếp hạng chất lượng không khí Việt Nam ở vị trí 159 trên 180 nước. Năm 2012, Việt Nam cũng đứng thứ 9 từ dưới lên ở bảng xếp hạng này.
Tháng 11/2018, Hội nghị toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm không khí và sức khỏe của WHO ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm toàn thế giới. Tổ chức này cho rằng có đến 30% ca tử vong do ung thư phổi là liên quan ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng được xác định là nguyên nhân gây ra 25% các ca tử vong do đột quỵ não, bệnh lý tim mạch và 43% các ca tử vong do bệnh lý hô hấp. Bốn nhóm bệnh nêu trên (đột quỵ, tim mạch, hô hấp, ung thư phổi) cũng luôn nằm trong Top 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua.
PGS TS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký hội Hô hấp Việt Nam giải thích, bệnh hô hấp đến từ nhiều nguyên nhân, như hút thuốc, nhiễm khuẩn, bẩm sinh và cả ô nhiễm không khí. Khó phân loại riêng bệnh nào là do ô nhiễm không khí, "nhưng đó là căn nguyên phổ biến của nhiều bệnh, mà bệnh hô hấp là một trong số đó".
Dù vài năm nay y tế cơ sở đã đủ năng lực điều trị các ca đơn giản, nhưng mười tháng đầu 2019, Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp nhận khoảng 30 nghìn lượt bệnh nhân khám và điều trị nội trú, tức khoảng 100 trường hợp mỗi ngày. 
Ngày 21/11, Trung tâm hô hấp có 172 bệnh nhân nội trú trên 126 giường. Thắng và nhiều bệnh nhân phải nằm ghép hai người một giường. Những người nhà như Nhung dần quen với việc chen chúc đợi thang máy bệnh viện khoảng 20 phút và thức trắng chăm người bệnh mỗi đêm. 
Ông Giáp cảnh báo "ô nhiễm không khí là sát thủ thầm lặng", vì nó gây hại âm ỉ lâu dài, nên đa số người bệnh chủ quan, khó phát hiện bệnh sớm. Các trường hợp nhập viện đều đã có chuyển biến khá nặng, điển hình như Thắng. Song thực tế, người Việt Nam nhận thức khá rõ về nguy cơ ô nhiễm không khí quanh mình.
Năm 2018, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phỏng vấn 1.400 người Việt Nam trên 18 tuổi với câu hỏi vấn đề xã hội nào đang ám ảnh họ nhất. Kết quả, ô nhiễm không khí xếp thứ hai với 17% câu trả lời, chỉ sau nạn thất nghiệp với 24%. 
Ngày 1/10/2019, AQI tại điểm đo Hoàn Kiếm là 180, mức kém. Bên trong trụ sở UBND, Hà Nội lần đầu lên tiếng về các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Một số nguyên nhân dễ nhận biết là khí xả thải từ ôtô, xe máy; bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; đốt rơm rạ, rác; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận...
Ngoài ra, danh sách này cũng liệt kê nguyên nhân "mùi hôi thối" từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; thu gom rác thải; ô nhiễm ao hồ lâu năm và bùn thải. Thành phố đồng thời đưa ra nhóm 19 chương trình hành động tương ứng với các nguồn gây ô nhiễm.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, 12 nguyên nhân Hà Nội đưa ra không sai, nhưng không có nhiều ý nghĩa. "Quan trọng là phải nhận diện được những nguồn phát thải chính, để lên kế hoạch xử lý có hiệu quả".
Ông Tùng và người Hà Nội sẽ biết được khí độc mình nạp vào cơ thể mỗi ngày chủ yếu đến từ đâu, sau khoảng một năm nữa. Ngân hàng Thế giới và Viện khí tượng Phần Lan đang phối hợp cùng Hà Nội nghiên cứu để tính toán tỷ trọng từng thông số trong bầu không khí ô nhiễm của thành phố.
Thắng sẽ điều trị thêm khoảng 6 tuần. Nhung bảo ra viện sẽ không cho chồng lái taxi. Đó là biện pháp tạm thời, như việc Hà Nội khuyên người dân không ra khỏi nhà những ngày AQI báo mức nguy hại. 
VnExpress

Nhận xét