Nhiều lao động ngoại tỉnh đã rời Hà Nội về quê ăn tết sớm mà không mấy hân hoan vui vẻ trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập bấp bênh và sắp tới có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa.
Hết việc sớm
Dù còn khoảng 1 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, anh Đàm Ngọc Dẫn (quê ở Trà Lĩnh, Cao Bằng) đã quyết định về quê ăn Tết sớm hơn dự định vì doanh nghiệp đã không còn việc để làm.
Trao đổi với PV, anh Đàm Ngọc Dẫn cho biết: "Tôi xuống Hà Nội làm thợ sản xuất thạch cao cho các công trình đã được 4 năm. Năm nay, dịch bệnh khiến tôi không đi làm được nhiều. Cuối năm dịch lại bùng phát, chủ thầu hết việc cách đây một tuần nên tôi quyết định về quê sớm".
Về quê với số tiền dư giả không nhiều, anh Dẫn về sớm dự định sẽ sửa sang lại ngôi nhà cũ ở quê và mua sắm một và vật dụng cho gia đình.
"Năm ngoái tôi làm đến chiều 27 Tết mới xong việc, mua cái xe máy xong vẫn còn ăn Tết thoải mái nhưng năm nay thì chán quá, tiền ít nên về ăn Tết cũng không được thoải mái lắm" - anh Đàm Ngọc Dẫn tâm sự.
Trường hợp của anh không phải là cá biệt, từ Tuyên Quang xuống Hà Nội làm công trình xây dựng ở quận Cầu Giấy qua giới thiệu từ một người quen. Công trình hết vốn, tạm dừng thi công đã 4 hôm nhưng anh Lê Thanh Đức ở lại, hôm nay được trả công anh về quê ăn Tết.
"Ăn chực nằm chờ ở Hà Nội ngán quá, không có việc thì về quê chứ vài hôm nữa vé xe đắt đỏ. Đi làm 3 tháng trừ chi phí chẳng còn là bao nên được nghỉ cứ nằm nhà không dám đi chơi ở đâu" - anh Trần thanh Đức ngao ngán nói.
Mỗi ngày công anh Lê Thanh Đức được trả 250.000 đồng, sau gần 3 tháng làm việc ở Hà Nội anh còn dư hơn 10 triệu đồng để đem về quê. Nhưng điều khiến anh lo lắng nhất lúc này là sau khi về quê, sau Tết sẽ làm gì.
Tâm tư nặng trĩu
Hòa chung vào dòng người về quê ăn Tết sớm, anh Trần Văn Huy cùng nhóm thợ đồng hương Quỳnh Lưu, Nghệ An lên đường về quê từ ngày 22 để kịp đón Tết ông Công - ông Táo cùng gia đình.
Anh Trần Văn Huy làm việc tại một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất trên địa bàn Hà Nội. Năm nay xưởng của họ cho phép công nhân nghỉ Tết sớm hơn mọi năm vì công ty không nhận được đủ các đơn đặt hàng và hoạt động sản xuất đang giảm sút trầm trọng.
Về quê ăn tết sớm, nghĩa là được sum vầy với gia đình nhiều hơn. Nhưng với những công nhân phải về đón xuân... bất đắc dĩ như nhóm thợ của anh Trần Văn Huy câu chuyện ngày về và ngày trở lại đều nặng nỗi ưu tư.
Anh Trần Văn huy tâm sự: "Năm nay, nghĩ đến tết mà buồn. Tiền ít nên về quê sắm sửa cho rẻ. Ở lại cũng làm được thêm vài công, bù vào tiền vé xe giáp Tết đắt hơn thì cũng thế, thôi thì về sớm cho gia đình phấn khởi".
Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm để phải hối hả rời thủ đô. Hành lý nhẹ tênh mà tâm tư ai dường như cũng trĩu nặng trên đường về.
Anh Lê Hoàng Phi cùng đội thợ với anh Trần Văn Huy thở dài nói: "Về chuyến này, quay lại hay không chúng tôi chưa chắc được, chứ làm không đủ việc như thế thì cũng chẳng dư bao nhiêu gửi về nhà.
Được biết, từ đợt dịch Covid-19 thứ 2 tới nay, anh Lê Hoàng Phi cùng công nhân ở xưởng sản xuất đã phải chia nhau nguồn việc ít ỏi để làm, do đó thu nhập giảm đáng kể. Theo anh, năm 2019 dù có làm nhiều vất vả nhưng thu nhập ổn định, có của ăn, của để. Năm nay anh phải "thắt lưng buộc bụng" mà cuộc sống vẫn khó khăn.
Anh Lê Hoàng Phi mong rằng, dịch bệnh sớm được kiểm soát tốt, có nhiều việc để sáng năm mới anh quay trở lại Hà Nội làm việc chứ hiện tại nếu ở quê anh cũng chưa biết sẽ làm gì.
Dân trí
Nhận xét
Đăng nhận xét