Tắm đúng cách để an toàn mùa lạnh là vấn đề quan trọng với mọi người, nhất là người già, trẻ em, nhưng lại ít được mọi người chú ý. Tắm khi nào và tắm thế nào cho đúng để bảo đảm sức khỏe thì không phải ai cũng quan tâm.
Tắm đúng cách để an toàn mùa lạnh là vấn đề quan trọng với mọi người, nhất là người già, trẻ em, nhưng lại ít được mọi người chú ý. Tắm khi nào và tắm thế nào cho đúng để bảo đảm sức khỏe thì không phải ai cũng quan tâm.
Những điều nên tránh
Theo y học, vào mùa lạnh cần chú ý không tắm sau khi ăn no. Lúc này cơ thể phải “gồng lên” chống chọi với giá lạnh, nước lạnh, dẫn đến nhiệm vụ tiêu hóa có phần “chểnh mảng”, từ đó dễ phát sinh bệnh đường tiêu hóa, dạ dày. Cũng không nên tắm sau khi uống rượu bia, vì chất cồn gây co huyết quản, có thể bị cảm, vỡ mạch máu. Bên cạnh đó, dùng bia rượu trước khi tắm dễ bị đột quỵ do tăng huyết áp.
Mùa đông, ban đêm nhiệt độ càng xuống thấp, sự tuần hoàn của cơ thể kém hơn bình thường, tắm càng dễ bị nhiễm lạnh, gây thiếu máu não, có thể dẫn tới bất tỉnh, hôn mê. Khi đã có men, cồn, chất kích thích thì nguy cơ bị tử vong càng tăng cao, đặc biệt nguy hiểm với người có tuổi và người có tiền sử bị bệnh tim mạch, huyết áp.
Các chuyên gia khuyến cáo, tắm mùa lạnh, dù tắm nước nóng hay nước lạnh cũng nên không dội nước thẳng từ đầu xuống chân để tránh đột quỵ, mà nên xối nước vào hai chân, hai tay trước rồi mới xối vào toàn bộ cơ thể. Nhiều người có thói quen dùng nước thật nóng để chống chọi nhiệt độ ngoài trời giảm sâu; song đó là một sai lầm, vì nước quá nóng dễ làm da bị kích ứng, dẫn đến khô da và không tốt cho hệ tim mạch. Nhiệt độ nước tắm chỉ nên dao động trong khoảng từ 24 đến 30 độ là tốt cho cơ thể.
Một điểm nữa là không nên tắm xà phòng khi cơ thể mệt mỏi, vì xà phòng chứa kiềm mạnh ngấm vào da, khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Tương tự, sau khi tắm cũng không nên sử dụng các sản phẩm làm sạch da có độ kiềm cao như xà phòng. Các chuyên gia còn khuyến cáo không nên cạo lông tay, lông chân trước khi tắm, vì nước lạnh dễ thẩm thấu qua da vào cơ thể hơn; nếu cơ thể mệt mỏi dễ bị cảm lạnh, xây xẩm mặt mày.
Vậy tắm thế nào và tắm bao lâu là tốt?
âu trả lời là nếu lạnh mà tắm quá nhanh thì không sạch, da không được cung cấp độ ẩm cần thiết. Nhưng vài ngày mới tắm, mỗi lần tắm phải tắm lâu lại làm da mất nước, khô, cơ thể thiếu dưỡng khí, gây thiếu máu ở tim, thậm chí có thể đột tử do não thiếu máu. Tắm vừa đủ, mỗi lần khoảng 10 đến 15 phút với nhiệt độ vừa phải (khoảng 24 đến 30 độ) chính là cách tắm khoa học, bảo vệ sức khỏe. Điều này đặc biệt quan trọng với người già, trẻ em.
GS. TS. Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với người lớn tuổi, trong thời tiết lạnh giá, khi tắm cần bảo đảm tắm bằng nước ấm. Phóng tắm kín gió, nhiệt độ khoảng 27 độ. Ông khuyên người cao tuổi nên tắm nhanh, sau khi tắm phải mặc quần áo ngay. “Người cao tuổi không nên tắm quá muộn, đặc biệt vào buổi tối. Việc tắm quá muộn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm lạnh và đột quỵ”, GS. Khải nói.
Với trẻ em, mùa lạnh chỉ cần tắm cho bé 2 đến 3 lần một tuần và giữ vệ sinh cho bé là đủ. Không nên tắm cho bé trong giờ trưa mà tốt nhất nên tắm cho bé từ 10 giờ đến 10 giờ 30 hoặc chiều từ từ 13 đến 16 giờ. Mỗi lần tắm cho bé không nên quá 5 phút và phải bảo đảm nước đủ ấm trong suốt quá trình tắm.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, không nên tắm muộn và ra ngoài đường sớm. Tắm thì không để sau 22 giờ khuya, và không tắm quá lâu hoặc nơi không khí kém lưu thông vì dễ bị sốc nhiệt, ảnh hưởng đến tính mạng.
Cách tắm và sinh hoạt an toàn
Cảm thấy cơ thể thoải mái mới tắm; nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào như mệt mỏi, đau đầu, khó chịu, người nổi gai ốc… đều không nên tắm. Không tắm lúc ăn no và cũng không nên tắm lúc đói. Khi đói, đường huyết hạ, dễ bị chóng mặt, ngất. Thời điểm thích hợp để tắm là trước khi ăn khoảng một giờ hoặc sau khi ăn khoảng 2 giờ. Cũng không nên lệ thuộc vào các hóa chất dưỡng da; nếu sử dụng, chỉ nên dùng một ít sữa tắm, sau tắm có thể sử dụng thảo dược thiên nhiên nhưng tránh dùng khoáng chất.
Quy trình tắm nên bắt đầu với rửa mặt, tắm toàn thân rồi mới gội đầu. Bởi gội đầu xong mới tắm các mạch máu trên đầu khó lưu thông, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm người ta choáng váng. Dội nước ấm vào bàn chân trước để cơ thể thích nghi với nhiệt độ môi trường. Nếu tắm dưới vòi nước nóng, nên để nước chảy phía sau khi kỳ cọ, làm sạch phía trước rồi làm ngược lại. Cũng có thể cầm vòi hoa sen đưa khắp cơ thể ở khoảng cách khoảng 10cm, có tác dụng massage da rất tốt.
Với người mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, trước khi tắm có thể ăn nhẹ lót dạ và uống thuốc điều trị. Nếu đang tắm thấy chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, tim đập nhanh cần lập tức đi ra khỏi phòng tắm, nằm nghỉ ngơi, uống chút nước nóng hoặc nước gừng. Một điều đơn giản ít ai để ý, là không nên chốt cửa phòng tắm, để nếu có sự cố, việc ứng cứu dễ dàng hơn. Việc bảo đảm không khí lưu thông phòng tắm, tránh để khí, hơi nước nóng bốc lên làm thiếu ô xy cũng là việc quan trọng.
Dù là người trẻ hay người cao tuổi cũng không nên ngâm mình trong nước nóng quá lâu. Cơ thể lạnh tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ cao có thể dẫn đến sốc nhiệt, giãn mạch máu. Sau khi tắm, tuyệt đối không để cơ thể trong tình trạng ẩm ướt bước ra khỏi phòng tắm mà phải lau khô người. Mặt khác, cũng không nên dùng máy sấy để hong khô vì sẽ làm da mất nước, khô nẻ.
Tắm là một sinh hoạt định kỳ thường nhật của con người, mỗi mùa, mỗi lứa tuổi cần có chế độ, cách thức thực hiện để bảo đảm sức khỏe. Riêng với người cao tuổi, các cơ quan đã bị thoái hóa theo thời gian, không có sức chịu đựng điều kiện lạnh giá như người trẻ.
Vẫn theo GS. TS. Phạm Gia Khải, ngoài việc giữ ấm cơ thể, người cao tuổi còn phải chú ý chế độ dinh dưỡng cân đối, nên ăn các thức ăn nấu chín, mềm, dễ tiêu; khi ăn nên chia làm nhiều bữa để cơ thể có thể hấp thụ dưỡng chất. Còn lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội) thì cho rằng, người cao tuổi nên vận động để khí huyết được lưu thông, tinh thần thoải mái. Nên chọn tập ở những nơi kín gió, ấm áp và tập nhẹ nhàng, vừa sức. Bảo đảm thể lực cũng là một sự chuẩn bị cho các sinh hoạt an toàn, trong đó có việc tắm mùa đông.
Tồng hợp
Nhận xét
Đăng nhận xét