Việt Nam đã có 21 người mắc bạch hầu, nguyên nhân từ đâu?

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết bạch hầu là bệnh có vaccine, gần như không còn xuất hiện, song chỉ trong mấy tháng gần đây, cả nước đã ghi nhận 21 ca mắc.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, vừa tổ chức lớp tập huấn công tác điều trị bệnh dịch bạch hầu, sốt xuất huyết và Covid-19 cho các bệnh viện khu vực Tây Nguyên.



Tại lớp tập huấn, học viên đến từ phòng Kế hoạch tổng hợp, khoa Khám bệnh, Truyền nhiễm, Nội, Nhi, Hồi sức cấp cứu... của các bệnh viện đã được nghe GS.TS Nguyễn Văn Kính (Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) và TS Nguyễn Văn Lâm (Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương) thông tin về tình hình dịch bạch hầu, sốt xuất huyết và Covid-19 thời gian qua.

Các chuyên gia cũng dự báo mô hình dịch bệnh thời gian tới và hoạt động ứng phó của ngành y tế.

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, đề nghị cơ sở y tế phối hợp chặt chặt với địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch: Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch, điều trị tốt.

“Bạch hầu là bệnh có vaccine, gần như không còn xuất hiện. Việc không phát hiện sớm, điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng, diễn biến nặng và có trường hợp tử vong”, thạc sĩ Khoa nói.

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, đề nghị bệnh viện phải chuẩn bị khu vực cách ly (có thể sử dụng khu vực cách ly đã chuẩn bị cho dịch Covid-19), rà roát các phương tiện phòng hộ, thuốc, vật tư, trang thiết bị để thu dung, điều trị ca bệnh hạn chế lây nhiễm và tử vong.

Cơ sở y tế tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho người dân trong cộng đồng và bệnh viện về dấu hiệu và phương pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tiêm chủng vaccine, tăng độ bao phủ, tiêm vét, bổ sung; tổ chức uống thuốc dự phòng cho khu vực có dịch.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum và TP.HCM đã có 21 người mắc bệnh Bạch hầu, một trường hợp tử vong.

Trong đó, từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp mắc bạch hầu tại huyện Krông Nô và Đắk Glong. Huyện Krông Nô ghi nhận 4 trường hợp mắc tại xã Đắk Sor (từ ngày 3-8/6); 16 ngày không có trường hợp mắc mới.

Huyện Đắk Glong trong các ngày 11-20/6 ghi nhận 8 trường hợp mắc tại thôn 6, xã Quảng Hòa (5) và cụm 12 xã Đắk R’măng (3), trong đó có một trường hợp tử vong tại xã Quảng Hòa. 4 ngày không có trường hợp mắc mới tại đây.

Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, những trường hợp mắc bệnh chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mông, chủ yếu 7-15 tuổi (9 trường hợp, chiếm 75%), 3 trường hợp trên 40 tuổi (25%). Các trường hợp mắc bệnh đều không được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Đến nay, cả nước đã có 35.624 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 3 tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Bệnh hiện có ở 58/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung ở các tỉnh thành phía Nam, miền Trung, Tây nguyên. Năm 2019 số mắc và tử vong cùng thời điểm là 81.628/9.

Về dịch Covid-19, Việt Nam đã có 78 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 355 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam, tổng cộng có 215 ca nhập cảnh đã được cách ly ngay, không có khả năng lây ra cộng đồng.

Đến thời điểm này, 340/355 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận ở Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh, chiếm 95,8%; không có trường hợp nào tử vong.

Hiện, 15 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế sức khỏe ổn định. Trong đó, 3 người có kết quả âm tính từ 2 lần trở lên với SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết, bạch hầu có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2019, cả nước ghi nhận 50 ca bạch hầu ở 7 tỉnh, thành phố, đều không được tiêm vaccine hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Những trẻ không được tiêm vaccine sẽ không có đáp ứng miễn dịch, khi tiếp xúc với mầm bệnh, sẽ mắc và lây lan cho những trẻ chưa được tiêm chủng khác.

Theo một khảo sát tại Kon Tum năm 2016-2017 cho thấy gần 50% các trường hợp 6-25 tuổi không có miễn dịch phòng bệnh. Đánh giá gần đây ở Hải Dương hơn 90% các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ không còn kháng thể phòng bệnh bạch hầu.

Zing

Nhận xét